TTO – Sáng 23-11, phát biểu tại Diễn đàn Logistics 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói với xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ nhằm nâng cao giá trị nông sản, dịch vụ logistics đang là ‘thiên đường của những startup đổi mới sáng tạo’.
Diễn đàn logistics 2019 được tổ chức ngày 22, 23-11 tại TP Đà Nẵng với sự phối hợp của Bộ Công thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam, quy tụ gần 700 doanh nhân và bộ trưởng nhiều bộ ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã có chiến lược phát triển tổng thể logistics tới 2025, trong đó xác định đây là một ngành quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.
Chính phủ ưu tiên phát triển dịch vụ này gắn liền với hạ tầng giao thông, nâng cao giá trị hàng hoá, thương mại với đầu tàu kiến tạo là của Nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần thúc đẩy các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu kéo giảm chi phí logistics xuống mức 16% so với trên 20% như hiện nay. Đó là nâng cấp hệ thống giao thông, cải thiện khả năng và rút ngắn thời gian giao hàng, ứng dụng công nghệ thông tin tối ưu hóa khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, rút ngắn thời gian thông quan…
“Logistics là lĩnh vực đang được ưu tiên phát triển mà xu hướng chung là ứng dụng nền tảng công nghệ và mô hình kinh tế chia sẻ. Làm sao để những chuyến container chạy chiều về không còn rỗng thùng, làm sao để xếp hàng không dư, không thiếu… Đây là thiên đường cho các startup, các ý tưởng đổi mới sáng tạo” – Phó Thủ tướng gợi mở.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tới cuối 2017, giá trị xuất khẩu nông sản nước ta đã đạt 33,14 tỉ USD. Trong năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt gần 37 tỉ USD.
Việt Nam cũng là nước sản xuất và xuất khẩu gạo đứng thứ ba trên thế giới cùng với cà phê, hàng rau quả, hạt điều, chè, cao su, hạt tiêu… Tuy nhiên nông sản Việt Nam đang gánh quá nhiều chi phí sản xuất khiến giá thành cao, 1 kg trái vải bán ở thị trường Mỹ mất tới 50% chi phí.
Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì logistics trong nông sản nước ta có hàng loạt vấn đề. Đó là hạ tầng quá yếu, các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia hoặc nếu tham gia thì vẫn còn quy mô nhỏ, chuỗi lạnh vẫn là khâu yếu. Thậm chí nhiều doanh nghiệp tới nay vẫn coi chuỗi lạnh là… chi phí chứ không coi đây là giá trị gia tăng.
Ông Trang Công Phát – giám đốc Công ty cổ phần giải pháp logistics và vận tải Lokaloop – cho rằng hiện logistics Việt Nam đang chiếm đến 23% GDP, tốc độ tăng trưởng logistics và vận tải cũng được dự báo ở mức 15% cho đến năm 2025.
Việt Nam cũng đang có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, trong đó có đến 70% tập trung ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trong 4.000 doanh nghiệp logistics ở Việt Nam thì chỉ có 5% doanh nghiệp có vốn trên 20 tỉ đồng, và chỉ có 400 doanh nghiệp tham gia chuỗi kinh tế chia sẻ.
Tại diễn đàn, đại diện các bộ ngành và các doanh nghiệp đã cùng hiến kế để thúc đẩy dịch vụ logicstics, đạt mục tiêu hạ chi phí dịch vụ này xuống 16% GDP so với mức trên 23% GDP như hiện nay. Đó là đầu tư nâng cấp hệ thống cầu đường, đơn giản hóa thủ tục thông quan…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết trong nền kinh tế chia sẻ, việc áp dụng công nghệ đột phá, tận dụng những lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 sẽ là mục tiêu để thúc đẩy mạnh mẽ logistics, mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ sản xuất, đưa giá trị nông sản nước ta cao hơn để nâng cao đời sống người dân.