Hàng trăm xe container kẹt ùn ứ ở Cửa khẩu Mộc Bài
Xe ùn ứ tại khu vực Cửa khẩu Mộc Bài ngày 16.8 – Ảnh: Giang Phương |
Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết nguyên nhân khiến dòng xe container ùn ứ là do UBND tỉnh Tây Ninh hôm qua bắt đầu thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào cửa khẩu quá cao (2,5 triệu đồng/lượt) khiến các công ty không muốn xe qua khẩu vì phải chịu lỗ. Cụ thể, theo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Tây Ninh (khóa 8) diễn ra ngày 16.7.2014 về quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra vào Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (H.Bến Cầu) và Xa Mát (H.Tân Biên). Trong đó, phương tiện vận tải chở hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan (tải trọng từ 18 tấn trở lên hoặc container 40 feet) với mức thu 2,5 triệu đồng/lượt. Đối với phương tiện vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu (tùy theo hàng hóa) cùng tải trọng có mức thu 500.000 đồng /lượt.
Ngoài ra, một số chủ DN phản ánh ngày 15.8 họ mới nghe thông báo miệng là ngày 16.8 tiến hành thu phí nên không thể nào kịp trở tay. Ông Huỳnh Đức, Công ty TNHH Thịnh Ánh Dương (Q.Tân Phú, TP.HCM), bức xúc: “Việc thu phí này quá đột ngột và mức thu quá cao như vậy thì DN khi qua khẩu sẽ lỗ vốn, trong khi đó chúng tôi đã chịu quá nhiều loại phí. Hiện DN tôi cũng đang có 8 container nằm ở bãi”. Ông Sơn Khanh Hoàng, nhân viên phụ trách khu vực cửa khẩu Mộc Bài thuộc Công ty TNHH TM-DV Vĩnh Thịnh (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “DN của tôi đang kẹt lại 34 xe container. Nếu cho qua khẩu giao hàng, mỗi xe phải tốn thêm 2,5 triệu đồng/lượt thì DN tôi phải đội thêm mức phí là 85 triệu đồng nữa, tiền đâu mà đóng liền được”. Cũng theo ông Hoàng: “Cùng tải trọng, nhưng xe chở hàng hóa chỉ tốn có 500.000 đồng/lượt. Trong khi xe quá cảnh phải trả 2,5 triệu đồng thì không công bằng”.
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Mộc Bài, cho biết: “Trong ngày 16.8, phương tiện chở hàng hóa đăng ký xuất nhập khẩu qua cửa khẩu giảm đột biến và chỉ lèo tèo vài chục xe với lý do hàng phải đi gấp”.
Giang Phương